Kí sinh trùng không làm cho heo chết nhanh nhưng đó là tác nhân gây bệnh mãn tính làm giảm năng suất gây thiệt hại kinh tế. Nội kí sinh trùng sống trong cơ thể vật chủ, cạnh tranh nguồn dinh dưỡng, phá hủy và gây tổn thương các cơ quan tổ chức mà chúng đi qua. Ngoại kí sinh trùng kí sinh trên da gây ngứa, stress trên heo khiến con vật ma sát với thành chuồng và các dụng cụ khác trong chuồng gây vết thương hở tạo điều kiện cho các mầm bệnh phụ nhiễm khác. Bệnh thường gặp trên heo là bệnh do giun tròn Ascarids suum (nội kí sinh) và bệnh ghẻ do Sarcoptes scabiei (ngoại kí sinh).
1. BỆNH DO GIUN TRÒN ASCARIDS SUUM (NỘI KÍ SINH)
Ascarids suum là loài giun tròn thường phổ biến trên đường tiêu hóa của heo. Giun trưởng thành cản trở sự hấp thu và cạnh tranh nguồn dinh dưỡng với vật chủ. Chúng kí sinh trên heo khoảng 6 tháng sẽ bị tống ra ngoài. Tuy nhiên heo có thể bị tái nhiễm nhẹ trong 1 năm hoặc lâu hơn. Bệnh xảy ra phổ biến nhất trên heo thịt từ 30kg đến xuất chuồng.
Vòng đời của giun tròn (35 ngày)
Heo ăn trứng giun từ ngoài môi trường vào ruột, trứng sẽ nở thành ấu trùng. Ấu trùng này sẽ đi qua thành ruột đến gan, từ gan (ở đây ấu trùng sẽ gây bệnh tích trên gan) sẽ di chuyển đến phổi và khí quản. Sau đó ấu trùng theo dịch đường hô hấp đi ra ngoài miệng và được nuốt ngược lại ruột. Tại đó, ấu trùng sẽ phát triển thành giun trưởng thành. Trứng giun tròn có thể tồn tại ở môi trường bên ngoài 3-5 năm, bị diệt ở 60oC và ít bị ảnh hưởng bởi thuốc sát trùng thông thường.
Hình 1. Vòng đời giun tròn
Triệu chứng – Bệnh tích
Quá trình di trú của ấu trùng trong các giai đoạn lây nhiễm sẽ gây ra các triệu chứng khác nhau. Chúng đục thủng gan và gây viêm tạo các đốm trắng khi di trú qua gan. Gây ho khi chúng ở phổi và khí quản. Gây tiêu chảy, chậm lớn và đi phân lẫn giun khi chúng ở ruột. Khi mổ khám thấy bệnh tích trên gan là những nốt màu trắng. Trong lòng ruột có giun trưởng thành.
Hình 2. Heo đi phân lẫn giun Hình 3. Bệnh tích do ấu trùng di hành vào gan
Chẩn đoán
Chẩn đoán dựa trên các dấu hiệu lâm sàng, đếm trứng giun trong phân bằng phương pháp phù nổi và bệnh tích trên gan. Mổ khám thấy có giun tròn trong ruột heo.
Hình 4. Trứng giun tròn Hình 5. Giun trong ruột heo
2. BỆNH GHẺ (SARCOPTIC MANGE INFESTATION – Ngoại ký sinh trùng)
Do một loài ngoại ký sinh có tên là Sarcoptes scabiei lưu trú và phát triển trên da. Lây nhiễm ngang bằng con đường tiếp xúc trực tiếp giữa heo với nhau (đặc biệt là heo đực) hoặc tiếp xúc với nền chuồng có kí sinh trùng. Bệnh ghẻ tạo ra một loạt triệu chứng lâm sàng gây ngứa làm heo cọ xát, trầy da và các bệnh tích khác trên da làm mất giá trị quầy thịt khi giết mổ. Bệnh ghẻ có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác như sự hóa sừng giả, viêm da, bệnh do thiếu Niacin và Biotin, bệnh nấm da, bệnh đậu heo,.. Cần chú ý tới vai trò của muỗi và côn trùng khác trong chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác.
Triệu chứng – Bệnh tích
Những triệu chứng lâm sàng thường thấy rõ trên những vùng da như tai, lưng, bẹn, nách…da bị dày lên và sần sùi. Heo bị ngứa thường hay lắc tai và cọ xát vào thành chuồng.
Hình 6. Bệnh tích mặt trong tai Hình 7. Bệnh tích trên da
Chẩn đoán
Chẩn đoán bệnh khi tìm thấy ký sinh trong ráy tai hoặc trong phần da cạo ra. Số lượng tìm thấy rất ít hoặc rất khó tìm thấy trong trường hợp heo bị bệnh mãn tính. Nếu heo có đáp ứng với điều trị thì có thể chẩn đoán là do ghẻ.
Hình 8. Con ghẻ dưới kính hiển vi
CÁCH PHÒNG – ĐIỀU TRỊ
Cần có biện pháp quản lý và phòng bệnh cho đàn heo giống cũng như heo thịt. Trứng của kí sinh trùng cần độ ẩm và nhiệt độ thích hợp để phát triển nên dưới ánh nắng trực tiếp và môi trường khô thì thời gian tồn tại của trứng, ấu trùng giảm đáng kể. Vì vậy, ta có thể áp dụng đồng thời các biện pháp sau:
- Áp dụng cùng vào – cùng ra (All in – All out)
- Xịt rửa, tiêu độc và giữ chuồng trại khô thoáng.
- Kiểm soát nguồn heo nhập vào không nhiễm kí sinh trùng từ trước.
Dùng thuốc IVOMEC và IDECTIN để tiêm phòng tổng đàn heo với liều trình như sau:
LOẠI HEO | THỜI ĐIỂM DÙNG THUỐC | LIỀU LƯỢNG | SỐ NGÀY SỬ DỤNG | LƯU Ý |
Heo thịt | 7 ngày trước khi đưa vào nuôi thịt | 1ml/33kg thể trọng | 1 | Heo dưới 16kg dùng liều tối thiểu 0,5ml/con |
Heo hậu bị | 7-14 ngày trước phối | 1ml/33kg thể trọng | 1 | |
Heo nái | 7-14 trước đẻ | 1ml/33kg thể trọng | 1 | |
Heo đực giống | 2-4 lần/ năm (định kỳ 3-6 tháng) | 1ml/33kg thể trọng | 1 |
Theo BSTY. Lê Hoàng Tỏa – Cty Tiến Thành